Thông báo

LÂM ĐỒNG: CÔNG KHAI, MINH BẠCH TRONG CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

Thứ ba - 03/12/2024 10:50

          Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Hiện tại, diện tích cung ứng DVMTR khoảng trên 400.00 ha, chiếm tỷ lệ 74,5% diện tích có rừng toàn tỉnh.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố phải công khai, minh bạch khi chi trả tiền DVMTR tại UBND các xã để thuận tiện cho các hộ nhận khoán yêu cầu đối chiếu. Ảnh: CTV

          Năm 2023, các đơn vị chủ rừng Nhà nước có khoán bảo vệ rừng (BVR) đang thực hiện khoán BVR cho hơn 13.000 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn; ngoài ra còn có 142 chủ rừng là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 1.457 chủ rừng là hộ gia đình, 03 chủ rừng là cộng đồng dân cư và 04 UBND xã cung ứng DVMTR.

          Đây là lực lượng bảo vệ rừng đông đảo có tác động tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần làm giảm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép. Môi trường rừng được cải thiện, làm tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các đơn vị sử dụng DVMTR. Đối với các hộ dân, việc nhận hợp đồng khoán BVR hàng năm với các chủ rừng Nhà nước giúp họ có công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Đối với địa phương, đây là một trong những nguồn kinh phí giúp xoá đói, giảm nghèo, giảm chi ngân sách cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội tại địa phương.

          Theo số liệu báo cáo của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, tổng số tiền chi trả cho bên cung ứng DVMTR giai đoạn từ năm 2011-2023 là 2.756 tỷ đồng (bình quân mỗi năm chi trả khoảng 212 tỷ đồng/năm). Riêng năm 2023, tổng số tiền chi trả theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh kế hoạch thu, chi tiền DVMTR năm 2023 khoảng 331 tỷ đồng. Đối tượng chi trả là 28 đơn vị chủ rừng Nhà nước, 142 chủ rừng là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 1457 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, 03 chủ rừng là cộng đồng dân cư và 04 UBND xã, đặc biệt là khoán BVR cho hơn 13.000 hộ dân sống gần rừng.

          Với số tiền DVMTR chi trả hàng năm lớn. Do đó, việc đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng số tiền DVMTR là công việc hết sức quan trọng, đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, đảm bảo số tiền chi trả đến tay người nhận khoán đầy đủ, kịp thời, giúp hộ nhận khoán có kinh phí sinh hoạt hàng ngày cũng như kinh phí phục vụ cho công tác tuần tra BVR. Việc công khai danh sách đối tượng được chi trả, số tiền được chi trả, kế hoạch chi trả theo số lần tạm ứng, thanh toán hàng năm bằng các hình thức: Công khai tại trụ sở UBND cấp xã hoặc nơi công cộng thuận lợi nhất để người dân tiện theo dõi nhất; mặt khác các cơ quan, tổ chức và toàn thể nhân dân tham gia giám sát đối với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan đến quản lý, sử dụng tiền DVMTR.


Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng, tổng số tiền DVMTR chi trả cho bên cung ứng giai đoạn năm 2011-2023 là 2.756 tỷ đồng. Ảnh: CTV

          Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2023, trên địa bàn tỉnh thực hiện chi trả (DVMTR) theo lưu vực nơi cung ứng DVMTR từng nhà máy và áp dụng đầy đủ 4 hệ số K thành phần theo quy định. Chính vì vậy, Quỹ tỉnh đề nghị các đơn vị chủ rừng Nhà nước có khoán BVR, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố phải công khai, minh bạch trong việc chi trả tiền DVMTR, đảm bảo quy định. Căn cứ biên bản xác định diện tích đã thống nhất, các đơn vị chủ rừng lập danh sách chi trả tiền DVMTR cho các đối tượng nhận khoán, thực hiện niêm yết công khai tối thiểu 3 ngày tại trụ sở UBND xã. Ngoài ra, tại trạm QLBVR của chủ rừng cũng thực hiện niêm yết danh sách chi trả tiền của các hộ nhận khoán nhằm mục đích giúp cho cán bộ, viên chức của chủ rừng giải đáp những thắc mắc về đơn giá chi trả, số tiền chi trả mỗi khi hộ nhận khoán yêu cầu.

          Bên cạnh đó, do có sự khác biệt giữa diện tích cung ứng với diện tích đã quy đổi theo hệ số K (diện tích được chi trả theo đơn giá) Quỹ đang triển khai theo kết quả hướng dẫn tính toán diện tích chi trả theo hệ số K tại các lưu vực diện tích có đơn giá chi trả cao nhất 2.722.000đ/ha/năm, diện tích có đơn giá thấp nhất chỉ có 445.000 đ/ha/năm. Nếu một hộ nhận khoán trung bình 30 ha thì chênh lệch số tiền thực nhận giữa lưu vực cao nhất (30 ha x 2.722.000 đ/ha/năm = 81.660.000 đ/hộ/năm) và lưu vực có đơn giá thấp nhất (30 ha x 445.000 đ/ha/năm = 13.350.000 đ/hộ/năm) là 68.310.000 đ/hộ/năm.

          Do năm 2023, đơn giá chi trả có sự chênh lệch giữa các lưu vực chi trả, vì vậy, để kịp thời phổ biến và giải đáp thắc mắc cho hộ nhận khoán Quỹ đã tổ chức các lớp tập huấn cho các đơn vị chủ rừng nhằm giải đáp thắc mắc cho hộ nhận khoán trước khi chi trả.

          Hiện tại, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt điều chỉnh kế hoạch thu, chi tiền DVMTR năm 2023. Quỹ tỉnh đã chuyển tiền thanh toán năm 2023 cho các đơn vị chủ rừng. Ngay sau khi nhận được tiền chi trả DVMTR năm 2023 từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, các đơn vị chủ rừng có khoán BVR phải thực hiện việc thanh toán cho bên nhận khoán theo hợp đồng mà chủ rừng đã ký kết với đối tượng nhận khoán. Song song với việc thanh toán tiền, các đơn vị chủ rừng kết hợp với công tác tuyên truyền nhằm giải đáp những thắc mắc của hộ dân về áp dụng hệ số K, về đơn giá chi trả cho từng lưu vực cung ứng DVMTR.

          Trên cơ sở thông báo thanh toán tiền của chủ rừng đến hộ nhận khoán, Quỹ tỉnh sẽ cử viên chức trực tiếp xuống một số điểm chi trả của đơn vị chủ rừng để thực hiện giám sát (đối với chủ rừng chi trả bằng tiền mặt). Đối với các chủ rừng chi trả không dùng tiền mặt, ngay sau khi hoàn thành chi trả đơn vị chủ rừng gửi về Quỹ tỉnh chứng từ chi trả gồm: Danh sách chi trả tiền năm 2023 của chủ rừng lập gửi ngân hàng, ủy nhiệm chi, liệt kê giao dịch; với giao dịch qua Viettel Pay thì đơn vị gửi kèm biên bản đối soát giữa đơn vị với Viettel Pay để Quỹ kiểm tra, giám sát.

          Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chính chủ), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ trực tiếp chi trả tiền DVMTR năm 2023. Trường hợp ủy quyền cho hộ khác nhận tiền DVMTR, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế hoặc làm lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bị mất thì tạm thời chưa chi trả tiền DVMTR năm 2023 (sẽ chi trả khi hộ gia đình, cá nhân làm đầy đủ thủ tục theo quy định). Kể từ năm 2024, khi có phát sinh việc ủy quyền nhận tiền DVMTR, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế thì hạt kiểm lâm các huyện/thành phố tổng hợp hồ sơ gửi về Quỹ tỉnh để theo dõi và chi trả tiền DVMTR đảm bảo đúng quy định.

          Trong quá trình tổ chức chi trả tiền DVMTR, Quỹ tỉnh và các đơn vị chủ rừng đều công khai tại các điểm tập trung số điện thoại liên hệ để giải đáp thắc mắc về các vấn đề liên quan đến công tác chi trả tiền DVMTR khi các hộ nhận khoán cần.

          Việc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng thực hiện chi trả tiền DVMTR công khai, minh bạch nhằm tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và các bên liên quan, đảm bảo đúng quy định làm tiền đề để Quỹ tỉnh triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.

Nguồn: Báo Thanh tra (https://thanhtra.com.vn/moi-truong-9DBF44B9E/lam-dong-cong-khai-minh-bach-trong-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-0d8a18b87.html)

 

Liên kết
Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam
 
Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay0
  • Tuần hiện tại5118
  • Tổng lượt truy cập12799
Hòm Thư Góp Ý
Hòm Thư Góp Ý
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây