TỈNH ỦY LÂM ĐỒNG BAN CÁN SỰ ĐẢNG UBND TỈNH * Số: 1670-KH/BCSĐ |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Đà Lạt, ngày 04 tháng 6 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 20/4/2024
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
-----
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 34-CT/TU); Kế hoạch số 117-KH/TU ngày 24/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
a) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng; phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Công ty TNHH một thành viên do Ủy ban nhân dân tỉnh nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là cơ quan, địa phương, đơn vị) trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU.
b) Xây dựng tập thể cơ quan, địa phương, đơn vị đoàn kết; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp, người lao động (sau đây gọi chung là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức) có đủ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, có tinh thần trách nhiệm cao, có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, có quyết tâm chính trị và khát vọng phát triển, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
2. Yêu cầu:
a) Việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TU phải khẩn trương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; kết hợp tiếp thu trực tiếp tại các hội nghị và việc tự nghiên cứu, học tập của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; phù hợp với đặc thù từng cơ quan, địa phương, đơn vị để khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, vì đất nước, vì Nhân dân; tạo động lực và quyết tâm cao của toàn thể đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
b) Việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện, có sự phân công, phối hợp cụ thể; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tập thể, cá nhân để Chỉ thị được triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ; tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, đồng bộ, rõ nét về nhận thức và hành động, phong cách và lề lối làm việc của các cấp ủy, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, làm cơ sở để tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị.
c) Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TU; đồng thời, xử lý nghiêm đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Để triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời Chỉ thị số 34-CT/TU, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu cấp ủy, các cơ quan, địa phương, đơn vị thuộc tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu nghiêm túc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
1. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị và đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp:
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TU gắn với Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị bằng các hình thức, phương pháp phù hợp, bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả; chú trọng tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tư duy đổi mới, sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
b) Thường xuyên nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Xác định rõ chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, từ đó quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện và kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng mới, cách làm đột phá, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực.
2. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý, điều hành của người đứng đấu các cơ quan, địa phương, đơn vị:
a) Cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng cần khẳng định và phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, địa phương, đơn vị, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, phong cách làm việc, thái độ phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp và các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội làm tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức đảng, đảng viên.
b) Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị phải thực sự nêu gương trong thực hiện các yêu cầu chung đối với cán bộ, đảng viên; đi đầu về tác phong, lề lối làm việc; là trung tâm đoàn kết, tấm gương về tinh thần cống hiến và tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, phong cách, lề lối làm việc khoa học, dân chủ,...để lan tỏa, truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cấp dưới học tập, noi theo. Thường xuyên phổ biến, quán triệt đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ được giao, với phương châm: “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”; sẵn sàng nhận và nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc, không tranh công, đổ lỗi cho khách quan hoặc đổ trách nhiệm cho người khác,… Trong thực thi nhiệm vụ, phải tuân thủ kỷ luật, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao.
c) Thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung; nghiêm túc khắc phục những hạn chế, tồn tại, kịp thời đưa ra khỏi cấp ủy, tổ chức đảng, ban lãnh đạo những cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, đảng viên thiếu bản lĩnh, năng lực yếu, quan liêu, không gương mẫu, nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít, làm cầm chừng, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, ý thức xây dựng tập thể kém, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ.
d) Chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách. Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm hoặc thay thế người đứng đầu để xảy ra mất đoàn kết nội bộ, vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, giải quyết công việc trì trệ, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cấp dưới vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật phát ngôn, làm lộ lọt bí mật nhà nước, cung cấp, phát tán thông tin trái quy định.
3. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nghiêm túc phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh”:
a) Các cơ quan, địa phương, đơn vị nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị số 34-CT/TU, đặc biệt là phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh” thành nội quy, quy định, quy chế làm việc, thi đua, khen thưởng, văn hóa công sở, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức,...và các văn bản khác đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị, tạo cơ sở pháp lý động viên, khuyến khích, hỗ trợ và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
b) Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ và ở bất kỳ cương vị công tác nào cũng phải thông suốt và thực hiện tốt phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với nhiệm vụ công tác được giao. Chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm và các quy định về nêu gương; các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và nơi cư trú, nhất là các quy định về thời gian làm việc, bảo mật thông tin, kỷ luật phát ngôn,… Thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập, tự soi, tự sửa để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; không tham nhũng, tiêu cực. Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tăng cường giữ gìn, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Không ngừng đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao với phương châm “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức và dám hành động vì lợi ích chung”. Sẵn sàng nhận và nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; không đùn đẩy, né tránh công việc.
4. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và xây dựng môi trường làm việc khoa học, hiện đại, văn minh:
a) Chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình làm việc của cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các đơn vị bên trong với cơ quan bên ngoài theo hướng rõ trách nhiệm, quyền hạn, rõ người, rõ việc và dễ kiểm tra, giám sát, bảo đảm không chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, địa phương, đơn vị. Quán triệt và lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc; tăng cường phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu theo quy định gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng văn hóa liêm chính, văn hóa công sở văn minh, hiện đại, lịch sự, gần gũi với Nhân dân; khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên, tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, giàu đẹp, văn minh.
b) Duy trì thực hiện nghiêm quy chế, quy định, quy trình công tác; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, đơn giản hóa quy trình, thủ tục không cần thiết; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu theo quy định. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách bài bản, chặt chẽ, khoa học; chủ động xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ; kịp thời phát hiện và giải quyết, tháo gỡ những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp trên xem xét, giải quyết, tuyệt đối không để vướng mắc kéo dài.
c) Phân công, bố trí công việc hợp lý, khoa học, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cấp dưới phát huy tối đa năng lực, sở trường, tích cực tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị. Giao việc phải gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, định hướng giải quyết, tháo gỡ những vấn đề phát sinh. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nỗ lực phấn đấu, cống hiến và khẳng định bản thân.
d) Thực hiện có hiệu quả Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ; nghiên cứu tham mưu ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế địa phương nhằm khuyến khích, tạo động lực và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức phát huy tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
5. Đánh giá toàn diện, khách quan đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, địa phương, đơn vị:
a) Thường xuyên rà soát, đánh giá để củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, địa phương, đơn vị, đảm bảo phân công, phân nhiệm, bố trí cán bộ phù hợp với vị trí việc làm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đúng người, đúng việc, phát huy năng lực, sở trường công tác.
b) Nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng những cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội được thực tiễn chứng minh và có triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Nghiên cứu cụ thể hóa Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 của Bộ Chính trị thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương và Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.
c) Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, toàn diện; khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải dựa trên sản phẩm, kết quả cụ thể, nổi trội của cán bộ trong quá trình công tác. Ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.
d) Thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác hoặc miễn nhiệm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm khi thực hiện công vụ, cán bộ có năng lực không đáp ứng yêu cầu công việc, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, gây ảnh hưởng đến công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị
6. Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số:
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 02/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 08/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết công việc, mang lại kết quả cao nhất, tốt nhất trong từng lĩnh vực công tác; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, đảng viên phát huy năng lực, sở trường, xây dựng cơ quan, đơn vị.
7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra của tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị:
a) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của Đảng pháp luật của nhà nước; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Duy trì thường xuyên và tiếp tục rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thanh tra công vụ các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TU.
b) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; kiểm tra, thanh tra, giám sát; kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có dư luận không tốt, năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm trong công tác, có hành vi tham nhũng, tiêu cực,... Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng, khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
8. Phát động thi đua, khen thưởng:
a) Nghiên cứu, tham mưu ban hành các quy định về thi đua, khen thưởng, kỷ luật bảo đảm chặt chẽ, chính xác và thống nhất với các quy định của Đảng. Tham mưu ban hành kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua thực hiện tốt phương châm “03 điều cần làm”, “04 điều cần tránh” nhằm biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, hiệu quả, tạo động lực và quyết tâm cao trong thực thi công vụ.
b) Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay và những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, hiệu quả. Đưa kết quả thực hiện nội dung, yêu cầu của Chỉ thị số 34-CT/TU và Kế hoạch này là một trong những tiêu chí để cơ quan, địa phương hoặc cấp có thẩm quyền xem xét đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân hàng năm, nhất là người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Công ty TNHH một thành viên do Ủy ban nhân dân tỉnh nắm giữ 100% vốn điều lệ:
a) Căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, địa phương, đơn vị, chủ động nghiên cứu, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 34-CT/TU trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân thuộc phạm vi quản lý bằng các hình thức, phương pháp phù hợp, bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả.
b) Xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU và Kế hoạch này tại cơ quan, địa phương, đơn vị bằng các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp cụ thể, khả thi, toàn diện, sát đúng với tình hình, có trọng tâm, trọng điểm với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện, hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU, đặc biệt là phương châm “03 điều cần làm”, “04 điều cần tránh” gắn với thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
c) Chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp đủ mạnh, đột phá theo cách làm riêng của tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo cơ sở, công cụ pháp lý thúc đẩy việc khơi dậy, khích lệ, khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
d) Chủ động phối hợp rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc phạm vi quản lý để củng cố, kiện toàn hoặc đề xuất củng cố, kiện toàn đảm bảo phân công, bố trí cán bộ phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đúng người, đúng việc, phát huy đúng năng lực, sở trường công tác; trong đó, ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có thành tích xuất sắc trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
đ) Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, địa phương, đơn vị toàn văn nội dung Chỉ thị số 34-CT/TU và Kế hoạch này.
2. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền về nội dung và kết quả, kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU của các cơ quan, địa phương, đơn vị bằng các hình thức phù hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tạo sự lan tỏa trong xã hội.
3. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền Chỉ thị số 34-CT/TU phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của từng cơ quan, địa phương, đơn vị; tập trung tuyên truyền trực quan, thông tin lưu động,...
4. Thanh tra tỉnh:
a) Tiếp tục triển khai thực hiện thanh tra chuyên đề về trách nhiệm trong việc thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Kế hoạch số 2960/KH-TTCP ngày 08/12/2023 và Văn bản số 74/TTCP-KHTH ngày 15/01/2024 của Thanh tra Chính phủ; đồng thời, triển khai các cuộc thanh tra theo Kế hoạch thanh tra năm 2024 đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 04/01/2024.
b) Căn cứ định hướng chương trình thanh tra đã được phê duyệt; yêu cầu công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực; yêu cầu công tác quản lý nhà nước và việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thanh tra hàng năm (năm 2025 và các năm tiếp theo); trong đó, có nội dung thanh tra công vụ theo yêu cầu tại Chỉ thị số 34-CT/TU.
c) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực, nếu phát hiện các trường hợp cần tiến hành thanh tra, kiểm tra công vụ thì kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.
5. Sở Nội vụ:
a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phát động phong trào thi đua thực hiện tốt phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh”.
b) Nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền đưa kết quả thực hiện nội dung, yêu cầu của Chỉ thị số 34-CT/TU thành tiêu chí đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân hằng năm.
c) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế và các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành về phân cấp quản lý cán bộ, công chức viên chức, người quản lý doanh nghiệp; xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng; thi đua, khen thưởng;... đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
d) Rà soát kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thanh tra công vụ (trực thuộc Sở Nội vụ) để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TU; qua đó, kiến nghị, đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức chấp hành tốt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
đ) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ngành, địa phương để tham mưu, đề xuất củng cố, kiện toàn, đảm bảo phân công, bố trí cán bộ phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, đúng người, đúng việc, phát huy đúng năng lực, sở trường công tác. Bên cạnh đó, cần theo dõi, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có thành tích xuất sắc trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; báo cáo Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 15/6/2024.
e) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan giúp Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU và Kế hoạch này tại các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, tổng hợp báo cáo Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện và những kiến nghị, đề xuất (nếu có) để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.
Link xem và tải toàn bộ nội dung của Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.