Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng để nâng cao nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi của các hộ nhận khoán, chủ rừng; từ đó nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng nên hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền đa dạng và bằng nhiều hình thức khác nhau.
Chỉ tính từ ngày 16-27/10/2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thực hiện 10 cuộc tuyên truyền bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp cho hơn 500 hộ nhận khoán bảo vệ rừng và người dân sống gần rừng tại huyện Đức Trọng, Di Linh và nhận được sự quan tâm, đồng tình rất lớn của những hộ nhận khoán, đơn vị, địa phương.
Bà Trần Phan Thúy Vy - Trưởng Phòng Kiểm tra - Giám sát và Tuyên truyền (Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hàng năm Quỹ tỉnh sẽ có các hạng mục tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như tuyên truyền tại các trường học, các hội đoàn thể, bằng loa đài, báo chí, trên các sản phẩm truyền thông, tờ rơi…, nhằm tuyên truyền và phổ biến chính sách về công tác bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh đến các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng và người dân sống gần rừng. Tại các buổi tuyên truyền, Quỹ tổ chức trình chiếu và báo cáo những nội dung liên quan đến bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng tại địa phương và Quỹ tỉnh cũng đã phối hợp với chủ rừng giải thích, trả lời thắc mắc, kiến nghị liên quan của các hộ nhận khoán và người dân tham gia buổi tuyên truyền.
Thông qua các buổi tuyên truyền, các hộ nhận khoán và người dân nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với công tác nhận khoán bảo vệ rừng, từ đó có hành động tích cực trong thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng nói riêng và công việc bảo vệ rừng tại địa phương nói chung, có thêm nhiều kiến thức, sự hiểu biết để lan toả thông tin về công tác quản lý, bảo vệ rừng đến đông đảo người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Chứng kiến một buổi tuyên truyền của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng tại một xã vùng sâu huyện Di Linh, có thể thấy rằng, hoạt động tuyên truyền về rừng dành cho các đối tượng trực tiếp được hưởng lợi từ dịch vụ này diễn ra cực kỳ sôi nổi và hiệu quả mang lại là rất cao. Bằng chứng là khi báo cáo viên của Quỹ giới thiệu về các nội dung về bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng thì tất cả những người tham dự, trong đó đa phần là bà con người dân tộc thiểu số sống gần rừng, đại diện hộ nhận khoán bảo vệ rừng rất chăm chú lắng nghe, sôi nổi, thẳng thắn đặt câu hỏi, nêu đề xuất, kiến nghị… để làm rõ những vấn đề họ còn chưa rõ. Khác với những buổi tập huấn, tuyên truyền một số lĩnh vực khác chúng tôi đã từng chứng kiến diễn ra ở hội trường các xã thường khá vắng vẻ, nhiều ánh mắt thờ ơ, lơ đãng; thì tại những buổi tuyên truyền về nội dung bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng, người tham dự là các hộ nhận khoán, cán bộ kiểm lâm, chủ rừng và cả đội ngũ báo cáo viên đều rất hào hứng, nghiêm túc lắng nghe và sôi nổi trao đổi thông tin.
Theo chia sẻ của anh K’Kin - một hộ nhận khoán (Thôn 5, Đinh Trang Thượng, Di Linh), thì các báo cáo viên tại buổi tuyên truyền lần này đã truyền tải các nội dung rất sát sườn, thiết thực giúp chúng tôi hiểu rõ, chi tiết hơn các hành vi nào thì bị cấm trong hoạt động lâm nghiệp, hiểu rằng trách nhiệm bảo vệ rừng là của toàn dân, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là gì và của hộ nhận khoán bảo vệ rừng như tôi là gì và các mức xử phạt về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp…
Còn đối với báo cáo viên Nguyễn Quốc Thuận - Phó Phòng Kiểm tra - Giám sát và Tuyên truyền của Quỹ thì các báo cáo viên đến không phải chỉ để tuyên truyền, mà thông qua phần trao đổi thông tin, phản ánh, kiến nghị của các hộ nhận khoán hay phần trả lời, giải thích của đơn vị chủ rừng với các hộ nhận khoán tại hội nghị tuyên truyền cũng thu được rất nhiều thông tin hữu ích từ thực tế ở các địa phương để báo cáo, đề xuất lãnh đạo có hướng giải quyết, để hoạt động bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng tốt hơn.
Tuy vậy, theo báo cáo viên của Quỹ, hoạt động tuyên truyền trực tiếp chỉ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Bởi ngoài các buổi tuyên truyền do cán bộ của Quỹ trực tiếp triển khai thực hiện tại các địa phương, thì Quỹ còn phối hợp với các đơn vị truyền thông để tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để lan toả những thông tin, hoạt động về bảo vệ và phát triển rừng đến với rộng rãi hơn nữa các tầng lớp Nhân dân.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.