UBND TỈNH LÂM ĐỒNG SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT Số: 1393/KH-SNN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Lâm Đồng, ngày 20 tháng 6 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 34-CT/TU NGÀY 20/4/2024
CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
Căn cứ Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII;
Thực hiện Kế hoạch số 1670-KH/BCSĐ ngày 04/6/2024 của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 34-CT/TU), với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
a) Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và phòng, ban, đơn vị; nhằm phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở; đồng thời, để các công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở nắm rõ được chủ trương của Chỉ thị số 34-CT/TU phát huy vai trò của cá nhân triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
b) Xây dựng tập thể cơ quan, đơn vị đoàn kết; đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở có đủ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, có tinh thần trách nhiệm cao; có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; vì lợi ích chung của ngành, có quyết tâm chính trị và khát vọng phát triển, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Nông nghiệp và PTNT khóa X nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
2. Yêu cầu:
a) Việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TU phải thực hiện khẩn trương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; kết hợp tiếp thu thêm thông tin từ các hội nghị cấp trên tổ chức quán triệt và việc tự nghiên cứu, học tập của các đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; nội dung thực hiện đảm bảo phù hợp với đặc thù từng phòng, ban, đơn vị để khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và vì đất nước, nhân dân; tạo động lực và quyết tâm cao của toàn thể đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động tại các phòng, ban, đơn vị.
b) Công tác xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện, có sự phân công, phối hợp cụ thể; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tập thể, cá nhân để Chỉ thị được triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ; tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, rõ nét về nhận thức và hành động, phong cách và lề lối làm việc của các cấp ủy, tập thể, cá nhân, nhất là Thủ trưởng, người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị trong việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, làm cơ sở để tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị, sau này.
c) Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TU; đồng thời, cũng xử lý nghiêm những đảng viên, công chức, viên chức và người lao động vi phạm.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Để triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời Chỉ thị số 34-CT/TU và các nội dung yêu cầu của Kế hoạch số 1670-KH/BCSĐ ngày 04/6/2024 của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng ủy sở và Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu cấp ủy, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở và công chức, viên chức và người lao động, nhất là người đứng đầu nghiêm túc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
1. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị và đội ngũ công chức, viên chức và người lao động về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp:
a) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TU gắn với Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị thông qua các cuộc họp tập thể tại các phòng, ban, đơn vị bằng các hình thức, phương pháp phù hợp nhằm phát huy tinh thần dân chủ trong cơ quan đơn vị, bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả; chú trọng tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các phòng, ban, đơn vị mình, nhất là người đứng đầu phải nêu gương trong thực hiện tốt các chủ trương cấp trên đã đề ra, khuyến khích và bảo vệ các công chức, viên chức và người lao động năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của tập thể, đơn vị; thường xuyên chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tư duy đổi mới, sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức cống hiến vì ngành và vì đất nước, nhân dân.
b) Thường xuyên nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong mỗi phòng, ban, đơn vị và xác định rõ chủ trương khuyến khích bảo vệ các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; từ đó quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện và kịp thời động viên, khuyến khích các đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thuộc phòng, ban, đơn vị mình quản lý phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng mới; có cách làm đột phá, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực cho phòng, ban, đơn vị mình và của ngành.
2. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý, điều hành của người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị:
a) Đối với cấp ủy cần khẳng định và phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, thể hiện vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao cho các phòng, ban, đơn vị; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, phong cách làm việc, thái độ phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp và các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội làm tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức đảng và từng cơ quan, đơn vị.
b) Người đứng đầu cấp ủy, phòng, ban, đơn vị phải thực sự nêu gương trong thực hiện các yêu cầu chung đối với các đảng viên; đi đầu về tác phong, lề lối làm việc; là trung tâm đoàn kết, tấm gương về tinh thần cống hiến và tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, phong cách, lề lối làm việc khoa học, dân chủ,...để lan tỏa, truyền cảm hứng cho các đảng viên, công chức, viên chức và người lao động cấp dưới học tập, noi theo. Thường xuyên phổ biến, quán triệt đến đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, với phương châm: “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”; sẵn sàng nhận và nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao; không để các nhiệm vụ được giao xử lý chậm trễ, quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc, không tranh công, đổ lỗi cho khách quan hoặc đổ trách nhiệm cho người khác,… Trong thực thi nhiệm vụ, phải tuân thủ kỷ luật, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.
c) Thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của Sở đạt phẩm chất, năng lực và uy tín cao, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung của ngành; nghiêm túc khắc phục những hạn chế, tồn tại, kịp thời đưa ra khỏi cấp ủy, tổ chức đảng, ban lãnh đạo những cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, đảng viên thiếu bản lĩnh, năng lực yếu, quan liêu, không gương mẫu, nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít, làm cầm chừng, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, ý thức xây dựng tập thể kém, cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ.
d) Chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, phòng, ban, đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách. Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm hoặc thay thế người đứng đầu để xảy ra mất đoàn kết nội bộ, vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, giải quyết công việc trì trệ, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; đảng viên, công chức, viên chức và người lao động cấp dưới vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật phát ngôn, làm lộ lọt bí mật nhà nước, cung cấp, phát tán thông tin trái quy định.
3. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nghiêm túc phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh”:
a) Các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị số 34-CT/TU, đặc biệt là phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh” thành nội quy, quy định, quy chế làm việc, thi đua, khen thưởng, văn hóa công sở, chuẩn mực đạo đức của công chức, viên chức, người lao động và các văn bản khác đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình của mỗi phòng, ban, đơn vị để tạo cơ sở pháp lý động viên, khuyến khích, hỗ trợ và bảo vệ các công chức, viên chức và người lao động dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
b) Mỗi đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình thực thi công vụ và ở bất kỳ cương vị công tác nào cũng phải thông suốt, thực hiện tốt phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với nhiệm vụ công tác được giao. Chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm và các quy định về nêu gương; các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và nơi cư trú, nhất là các quy định về thời gian làm việc, bảo mật thông tin, kỷ luật phát ngôn,… Thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập, tự soi, tự sửa để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; không tham nhũng, tiêu cực. Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tăng cường giữ gìn, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Không ngừng đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao với phương châm “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức và dám hành động vì lợi ích chung”. Sẵn sàng nhận và nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đã được giao; không đùn đẩy, né tránh công việc.
4. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và xây dựng môi trường làm việc khoa học, hiện đại, văn minh:
a) Chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình làm việc của cấp ủy, phòng, ban, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn, rõ người, rõ việc và dễ kiểm tra, giám sát, bảo đảm không chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế của phòng, ban, đơn vị. Quán triệt và lãnh đạo các đảng viên, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và thời gian làm việc; phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu theo quy định gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng nét văn hóa liêm chính, văn hóa công sở văn minh, hiện đại, lịch sự, gần gũi với Nhân dân; khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên với tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và ra sức phấn đấu góp phần chung tay với các cơ quan, ban, ngành, địa phương cùng xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, giàu đẹp, văn minh.
b) Duy trì thực hiện nghiêm quy chế, quy định, quy trình công tác; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp, đơn giản hóa quy trình, thủ tục không cần thiết. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách bài bản, chặt chẽ, khoa học; chủ động tham mưu cho Lãnh đạo sở xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ; kịp thời phát hiện giải quyết, tháo gỡ những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo Lãnh đạo sở đề xuất lên cấp trên xem xét, giải quyết, tuyệt đối không để vướng mắc kéo dài.
c) Phân công, bố trí công việc hợp lý, khoa học, tạo điều kiện để các đảng viên, công chức, viên chức và người lao động phát huy tối đa năng lực, sở trường, tích cực tham gia xây dựng phòng, ban, đơn vị mình ngày một vững mạnh. Giao việc phải gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, định hướng giải quyết, tháo gỡ những vấn đề phát sinh. Đồng thời, thường xuyên quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ, động viên, khích lệ các đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý nỗ lực phấn đấu, cống hiến và khẳng định bản thân.
d) Triển khai và thực hiện có hiệu quả Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ([7]); quan tâm nghiên cứu tham mưu cho Lãnh đạo sở đề xuất UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế địa phương nhằm khuyến khích, tạo động lực và bảo vệ các công chức, viên chức và người lao động phát huy tốt tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
5. Đánh giá toàn diện, khách quan đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của phòng, ban, đơn vị:
a) Thường xuyên rà soát, đánh giá củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của phòng, ban, đơn vị, nhằm đảm bảo phân công, phân nhiệm, bố trí công việc phù hợp với vị trí việc làm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đúng người, đúng việc, để giúp các công chức, viên chức và người lao động phát huy tốt vai trò, năng lực và sở trường công tác.
c) Hàng năm, triển khai làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo bảo đảm công khai, minh bạch, công tâm, khách quan, toàn diện; khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo thuộc phòng, ban, đơn vị mình phải dựa trên sản phẩm, kết quả cụ thể, nổi trội của cá nhân trong quá trình công tác. Ưu tiên bố trí, sử dụng công chức, viên chức có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.
d) Thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác hoặc miễn nhiệm các cán bộ lãnh đạo sợ sai, sợ trách nhiệm khi thực hiện công vụ, cán bộ lãnh đạo có năng lực không đáp ứng yêu cầu công việc, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, gây ảnh hưởng đến công việc của phòng, ban, đơn vị.
6. Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số:
Tăng cường đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành, tham gia xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 02/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 08/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết công việc, mang lại kết quả cao nhất, tốt nhất trong từng nhiệm vụ được giao; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để các đảng viên, công chức, viên chức và người lao động phát huy hết năng lực, sở trường, trong việc xây dựng phòng, ban, đơn vị mình.
7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra của tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị:
a) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cấp ủy, phòng, ban, đơn vị, đảng viên, công chức, viên chức. Duy trì thường xuyên và tiếp tục rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thanh tra công vụ của Sở nhằm kịp thời đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TU.
b) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; kiểm tra, thanh tra, giám sát; kiên quyết xử lý những đảng viên, công chức, viên chức và người lao động suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có dư luận không tốt, năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm trong công tác, có hành vi tham nhũng, tiêu cực,... Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng, khuyến khích, bảo vệ các đảng viên, công chức, viên chức và người lao động năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
8. Phát động thi đua, khen thưởng:
a) Nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo sở hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về thi đua, khen thưởng, kỷ luật bảo đảm chặt chẽ, chính xác và thống nhất với các quy định của Đảng. Ban hành kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua thực hiện tốt phương châm “03 điều cần làm”, “04 điều cần tránh” nhằm biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, hiệu quả, tạo động lực và quyết tâm cao trong thực thi công vụ.
b) Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay và những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Đưa kết quả thực hiện nội dung, yêu cầu của Chỉ thị số 34-CT/TU và Kế hoạch này làm tiêu chí để các phòng, ban, đơn vị căn cứ triển khai, đánh giá và đề xuất Lãnh đạo sở xem xét, xếp loại tập thể, cá nhân hàng năm, nhất là người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị mình.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở:
a) Căn cứ tình hình thực tế của phòng, ban, đơn vị mình để chủ động nghiên cứu, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 34-CT/TU trong toàn thể đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý bằng các hình thức, phương pháp phù hợp, bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả.
b) Xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU và Kế hoạch này tại phòng, ban, đơn vị bằng các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp cụ thể, khả thi, toàn diện đúng với tình hình nhiệm vụ được giao hàng năm; yêu cầu các nội dung phải có trọng tâm, trọng điểm với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện, hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU, đặc biệt là phương châm “03 điều cần làm”, “04 điều cần tránh” gắn với thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
c) Chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Lãnh đạo sở những giải pháp hữu ích, thiết thực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chung của ngành; đồng thời, tham mưu cho Sở báo cáo đề xuất lên Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp đủ mạnh, đột phá theo cách làm riêng của tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo cơ sở, công cụ pháp lý thúc đẩy việc khơi dậy, khích lệ, khuyến khích và bảo vệ các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
d) Phối hợp với phòng Tổ chức cán bộ sở trong việc rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của phòng, ban, đơn vị thuộc phạm vi quản lý để củng cố, kiện toàn hoặc đề xuất củng cố, kiện toàn đảm bảo phân công, bố trí các cán bộ lãnh đạo phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đúng người, đúng việc, phát huy đúng năng lực, sở trường công tác; trong đó, ưu tiên đề bạt, bổ nhiệm những cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu của Lãnh đạo Sở, tổng hợp báo cáo về kết quả thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU gửi Sở Nông nghiệp và PTNT (thông qua phòng Tổ chức cán bộ).
đ) Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của đơn vị toàn văn nội dung Chỉ thị số 34-CT/TU, Kế hoạch số 1670-KH/BCSĐ ngày 04/6/2024 của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và Kế hoạch này.
2. Thanh tra Sở:
a) Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết kịp thời các nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm phải đề xuất Lãnh đạo sở xem xét, chỉ đạo xử lý ngay.
b) Hàng năm triển khai thực hiện các cuộc thanh tra theo Kế hoạch; đồng thời, tham mưu cho Lãnh đạo Sở ban hành Kế hoạch thanh tra hàng năm và các năm tiếp theo.
3. Phòng Tổ chức cán bộ:
a) Hướng dẫn, đôn đốc các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền về nội dung và kết quả, kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU của các phòng, ban, đơn vị bằng các hình thức phù hợp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tạo sự lan tỏa trong ngành và đến các địa phương.
b) Tham mưu cho Lãnh đạo sở phát động phong trào thi đua thực hiện tốt phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh”; quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở; cử đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá thi đua, khen thưởng;... đảm bảo phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
c) Chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở để tham mưu, đề xuất củng cố, kiện toàn, đảm bảo phân công, bố trí người phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, đúng người, đúng việc, phát huy đúng năng lực, sở trường công tác. Đồng thời, theo dõi, đề bạt, bổ nhiệm những cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
d) Rà soát kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thanh tra công vụ Sở để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TU; phối hợp với các phòng thuộc Sở thường xuyên thực hiện kiểm tra công vụ và qua đó, kiến nghị, đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân đã chấp hành tốt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Sở, tổng hợp báo cáo về kết quả thực hiện và những kiến nghị, đề xuất (nếu có)./.