Ngày 31/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị Triển khai Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị tham dự và chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Nghị định số 91/2024/NĐ-CP được ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định tại Luật Lâm nghiệp giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; đồng thời điều chỉnh một số quy định hiện hành để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, bổ sung những quy định mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm; góp phần nâng cao thu nhập cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ và phát triển rừng; góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp; tạo cơ sở pháp lý thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông tin về một số nội dung chính được sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 91/2024/NĐ-CP, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Trong đó: 1) Bổ sung quy định về điều chỉnh tăng, giảm diện tích khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; chuyển loại rừng đặc dụng; về tiêu chí, trình tự thủ tục điều chỉnh phân khu chức năng của rừng đặc dụng. 2) Quản lý hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng. 3) Điều chỉnh diện tích khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. 4) Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng. 5) Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. 6) Công trình kết cấu hạ tầng bảo vệ và phát triển rừng. 7) Chi trả dịch vụ môi trường rừng thu hồi rừng, quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết: Để quản lý, khai thác đúng mục đích và hiệu quả 15,8 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng là hơn 14,8 triệu ha, đến nay các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 65 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp, bao gồm: 1 Luật, 16 Nghị định, còn lại là các Thông tư, Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã tạo chuyển biến quan trọng trong phát triển lâm nghiệp, giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến thực hiện quy chế quản lý rừng, giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đóng góp tích cực vào việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng trung du và miền núi. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, một số quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như: Chưa có quy định về điều chỉnh diện tích và phân khu chức năng của khu rừng đặc dụng, điều chỉnh diện tích khu rừng phòng hộ hoặc chuyển loại giữa các khu rừng đặc dụng;
Chưa có quy định cụ thể về lập, thẩm định, phê duyệt dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; diện tích được xây dựng các công trình phục vụ kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng; lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng;
Pháp luật hiện hành quy định trình tự, thủ tục về giao rừng, cho thuê rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, tuy nhiên việc triển khai trên thực tế rất khó khăn, do chưa có sự thống nhất về thủ tục hành chính giữa giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng; quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng còn bất cập, chưa giải quyết hết được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn;
Chưa có danh mục các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nguồn nước từ rừng; quy định phạm vi ảnh hưởng để xác định các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có vị trí ngoài khu rừng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng; quy định điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng từ các cơ sở sản xuất thủy điện trong lưu vực liên tỉnh chưa thực sự hợp lý;…
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP là rất cần thiết.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại hội nghị
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngay khi ban hành (18/7/2024). Đây là nghị định có phạm vi áp dụng rất rộng, đối tượng liên quan đa dạng, nội dung nhiều và nhiều nội dung khó.
Thứ trưởng kỳ vọng nghị định sẽ sớm giải quyết được các quy định mà thực tiễn còn thiếu, chưa phù hợp trong lâm nghiệp, để lâm nghiệp đóng góp nhiều hơn trong phát triển bền vững về kinh tế xã hội và môi trường.
Đồng tình cao với việc Nghị định số 91 được ban hành và sớm có hiệu lực thi hành để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực Lâm nghiệp, các đại biểu tham dự hội nghị đề nghị Bộ NN-PTNT sớm có những văn bản hướng dẫn làm rõ thêm về việc phân cấp, phân quyền trong chuyển đổi diện tích sử dụng rừng; quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng; các dự án liên quan đến rừng như: Chuyển đổi loại rừng, du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ Carbon...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luật hội nghị
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Nghị định 91 là bước đột phá, tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng rừng, từ đó tạo ra giá trị đa dụng của nguồn tài nguyên này. Bộ trưởng mong muốn đây sẽ là cơ hội mở ra một chương mới để "mở cửa rừng" và để làm được điều này các địa phương có rừng cần phải mở ra một không gian tư duy mới, trong đó các chủ rừng, các ban quản lý rừng cần thay đổi từ tác phong tư duy quản lý sang tư duy quản trị để làm kinh tế dưới tán rừng, tạo ra nhiều giá trị từ rừng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.../.
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và PTNT (mard.gov.vn).