Lâm Đồng là tỉnh nam Tây Nguyên, có diện tích rừng tự nhiên khoảng 538.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 54,37%. Diện tích chi trả DVMTR trong năm 2023 khoảng gần 400.00 ha, chiếm tỷ lệ 75% diện tích có rừng toàn tỉnh.
Phần lớn diện tích rừng ở Lâm Đồng là rừng đầu nguồn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, đặc biệt là duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện, sản xuất nước sạch… và tạo sinh kế cho người dân địa phương...
Qua hơn 14 năm (2009-2024) triển khai thực hiện, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực, toàn diện đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho hơn 13.000 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn sống gần rừng. Đồng thời, tạo ra cơ chế tài chính mới, ổn định tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh, thông qua việc thu tiền DVMTR đối với các cơ sở sử dụng DVMTR như: nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp...
Các hộ nhận khoán đi tuần tra bảo vệ rừng cùng với chủ rừng
Việc triển khai thực hiện chi trả DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Ý thức, vai trò, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của người dân được nâng lên; huy động được nguồn lực lớn, thường xuyên cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Việc thực hiện chi trả DVMTR trong thực tế đã góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh thông qua hình thức giao đất, giao rừng của Nhà nước và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng là tổ chức (các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng), UBND các xã, thị trấn được giao quản lý rừng.
Đối với người cung ứng DVMTR (người bảo vệ rừng), thấy được trách nhiệm và quyền lợi thông qua việc bảo vệ vệ rừng. Họ nhận thức được rằng, việc bảo vệ rừng sẽ mang lại cho họ nguồn thu nhập chính hàng năm, góp phần xóa đói giảm nghèo và giá trị mà họ thu được từ việc bảo vệ rừng đúng như giá trị công sức của họ bỏ ra chứ không như trước đây vẫn còn xem như một nguồn hỗ trợ về chính sách của Nhà nước.
Trước năm 2023, tỉnh Lâm Đồng áp dụng hệ số K3 điều chỉnh mức chi trả DVMTR theo nguồn gốc hình thành rừng, gồm rừng tự nhiên và rừng trồng (K3 = 1,00 đối với rừng tự nhiên, K3= 0,9 đối với rừng trồng) và chi trả tiền theo 2 lưu vực sông chính (Sông Đồng Nai và sông Sê Rê Pốk), do đó chưa tạo được sự quan tâm thúc đẩy phát triển nâng cao chất lượng rừng. Mặt khác, việc áp dụng hệ số K vào thực tế chưa nhận được sự đồng thuận của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, vì tập quán của các hộ còn mang nặng ý thức bình quân.
Buổi chi trả tiền DVMTR cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại Ban QLRPH Phi Liêng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng).
Kể từ năm 2023, việc chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện theo các lưu vực cung ứng theo từng nhà máy và áp dụng đầy đủ 4 hệ số K thành phần theo quy định. Trên cơ sở đó, Quỹ tỉnh đã tiến hành làm việc và thống nhất về diện tích chi trả năm 2023 theo từng Nhà máy và hệ số K cho từng lô rừng cung ứng DVMTR với 28 đơn vị chủ rừng Nhà nước (Các Ban QLR phòng hộ, các công ty TNHH MTV Lâm nghiệp), 142 chủ rừng là Doanh nghiệp ngoài Nhà nước, 1.457 chủ rừng là hộ gia đình, 3 chủ rừng cộng đồng dân cư và 3 UBND xã.
Theo Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2023 trở đi, hàng năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thực hiện xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng cho từng đơn vị sử dụng (lưu vực theo nhà máy thủy điện, nhà máy nước) và xác định đơn giá chi trả cho từng nhà máy thay vì chi trả theo 2 lưu vực sông trước đây. Hiện nay, theo quyết định phê duyệt kết quả chi trả tiền DVMTR năm 2023, toàn tỉnh có 67 đơn giá chi trả tương ứng với 54 nhà máy thủy điện, 12 nhà máy nước sạch và 1 cơ sở sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng bắt đầu từ năm 2023, tỉnh Lâm Đồng sẽ áp dụng đầy đủ 4 hệ số K thành phần (K1, K2, K3, K4) theo quy định để tính diện tích chi trả, làm cơ sở tính toán đơn giá chi trả tiền cung ứng DVMTR cho bên cung ứng cung ứng DVMTR.
Theo đó, (diện tích chi trả DVMTR) = (diện tích cung ứng DVMTR) X (hệ số K). Đơn giá chi trả, mức chi trả cho 1ha rừng được tính cho 1ha rừng đã quy đổi theo hệ số K.
Hệ số K được xác định cho từng lô rừng, làm cơ sở để tính toán mức chi trả tiền DVMTR cho bên cung ứng DVMTR. Hệ số K bằng tích số của các hệ số K thành phần: K = K1 x K2 x K3 x K4. Trong đó:
- Hệ số K1 điều chỉnh mức chi trả theo trữ lượng rừng: K1 = 1,00 đối với rừng giàu; K1 = 0,95 đối với rừng trung bình; K1 = 0,90 đối với rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng, rừng tre nứa, rừng không phân chia trữ lượng và rừng trồng.
- Hệ số K2 điều chỉnh mức chi trả theo mục đích sử dụng rừng: K2 = 1,00 đối với rừng đặc dụng; K2 = 0,95 đối với rừng phòng hộ; K2 = 0,90 đối với rừng sản xuất, rừng trên diện tích đất chuyển mục đích khác không phải Lâm nghiệp.
- Hệ số K3 điều chỉnh mức chi trả theo nguồn gốc hình thành rừng: K3 = 1,00 đối với rừng tự nhiên; K3 = 0,90 đối với rừng trồng.
- Hệ số K4 điều chỉnh mức chi trả theo mức độ khó khăn được quy định đối với diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng nằm trên địa bàn các xã khu vực I, II, III theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: K4 = 1,00 đối với xã thuộc khu vực III; K4 = 0,95 đối với xã thuộc khu vực II; K4 = 0,90 đối với xã thuộc khu vực I và các xã chưa được Thủ tướng Chính phủ quy định.
Việc thực hiện chi trả theo các lưu vực cung ứng theo từng Nhà máy và áp dụng đầy đủ 4 hệ số K thành phần bước đầu có những khó khăn nhất định do các chủ rừng, nhất là các hộ nhận khoán chưa hiểu rõ về quy định. Tuy nhiên, việc áp dụng này là cần thiết, đảm bảo đúng quy định của Nghị Định 156, trả lại đúng giá trị của rừng đó là thúc đẩy việc phát triển chất lượng rừng.
Song song đó, Quỹ tỉnh đang triển khai tuyên truyền trực tiếp về chi trả DVMTR theo lưu vực từng Nhà máy và áp dụng đầy đủ 4 hệ số K thành phần tại các xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thông qua các buổi tuyên truyền nhằm mục đích tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc thực hiện chi trả DVMTR của cả hệ thống chính trị, giúp người dân hiểu về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc bảo vệ rừng chi trả DVMTR. Từ đó tạo được sự đồng thuận và và tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cấp các ngành trong việc thực hiện chi trả DVMTR trong các năm tiếp theo.
Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người dân công cuộc bảo vệ và phát triển rừng sẽ ngày càng phát triển.
Nguồn: Báo Dân việt (https://danviet.vn/diem-moi-ve-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-tren-dia-ban-tinh-lam-dong-20241122202454238.htm)