Thông báo

CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG CẢI THIỆN SINH KẾ CHO NGƯỜI LÀM NGHỀ RỪNG

Thứ năm - 05/12/2024 16:09

          Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thực hiện chính thức ở Lâm Đồng từ 2011. Sau 14 năm triển khai thực hiện, chi trả DVMTR, bên cạnh mang lại những giá trị về cải thiện môi trường rừng, hoạt động này còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng cư dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh xoá đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế trong cuộc sống thông qua việc nhận hợp đồng khoán bảo vệ rừng với các đơn vị chủ rừng nhà nước.

          Đối với địa phương, đây là một trong những nguồn kinh phí giúp xoá đói, giảm nghèo, giảm chi ngân sách cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội tại địa phương.

          Tính từ giai đoạn 2011 đến 2023, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho bên cung ứng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 2.756 tỷ đồng (bình quân 212 tỷ đồng/năm). Đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gồm 28 đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước (Công ty Lâm nghiệp, Ban QLRPH, Vườn quốc gia),chiếm tỷ lệ trên 90% tổng diện tích và giá trị được chi trả hàng năm; 95% diện tích này chủ rừng nhà nước ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng cho hơn 13.000 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn; 142 chủ rừng là Doanh nghiệp ngoài nhà nước; 04 chủ rừng UBND xã, 03 chủ rừng là cộng đồng thôn.

Một điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng

          Diện tích rừng cung ứng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tăng dần hàng năm, tính đến năm 2024 ước đạt 400.000ha, chiếm khoảng 74% tổng diện tích rừng toàn tỉnh Lâm Đồng.

          Có mặt tại khu rừng thông tuyệt đẹp nằm trên địa bàn xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, chúng tôi gặp nhóm người nhận khoán bảo vệ rừng đang thực hiện công tác tuần tra định kỳ. Tại đây, ông Cil Jũ Ha Giảng (xã Đạ Nhim) giới thiệu, tổ cộng đồng gồm có 34 người nhận khoán bảo vệ hơn 100ha rừng. Từ nhiều năm nay, người dân trong tổ đã phối hợp cùng đơn vị chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Cũng nhờ vậy mà rừng trên địa bàn được bảo vệ tốt.

          “Ngoài ra, khi tham gia bảo vệ rừng, chúng tôi được nhận chi trả dịch vụ môi trường rừng. Dù ứng hàng quý hay nhận một đợt thì số tiền đó cũng giúp mỗi hộ dân có thêm thu nhập để cuối năm mua sắm vật dụng cần thiết trong gia đình hay tổ chức lễ tết”, ông Cil Jũ Ha Giảng phấn khởi nói.

Các hộ nhận khoán tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

          Tại Lâm Đồng hiện có 28 đơn vị chủ rừng nhà nước (Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng; Vườn quốc gia; các đơn vị nghiên cứu khoa học; các đơn vị lực lượng vũ trang được giao rừng); 142 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 3 cộng đồng; 1.457 hộ gia đình được giao đất, giao rừng và 4 đơn vị tổ chức khác (UBND xã). Ngoài các đơn vị chủ rừng trực tiếp, còn có 36 tổ chức tập thể và hơn 13.000 hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng cũng đang được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (trong đó có 10.200 hộ đồng bào DTTS).

          Những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả tích cực, tạo ra được nguồn lực lớn để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, góp phần hỗ trợ và giảm chi từ nguồn ngân sách cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Nguồn thu này đã hỗ trợ đáng kể nguồn chi từ ngân sách tỉnh Lâm Đồng cho công tác bảo vệ rừng tại địa phương và ý nghĩa hơn là nguồn thu này mang yếu tố ổn định, bền vững hàng năm.

          Hoạt động khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả DVMTR của các chủ rừng nhà nước tiếp tục góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người dân tham gia bảo vệ rừng nhất là hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo, hộ sống gần rừng. Nguồn thu này là đáng kể đối với các đối tượng nhận khoán, đảm bảo thu nhập ổn định và duy trì lâu dài.

          Hiện đơn giá chi trả cho năm 2023 được xác định cho từng lưu vực nhà máy (67 đơn giá) tương ứng với số tiền thực thu và diện tích cung ứng của lưu vực, sau khi đã thực hiện điều tiết đơn giá giữa các lưu vực theo quy định hiện hành, số tiền chi trả cho 1ha rừng cung ứng dịch vụ trên địa bàn Lâm Đồng thấp nhất là 445.000 đồng/ha và cao nhất là 2.722.000 đồng/ha, qua đó giúp người dân có thêm khoản thu nhập ổn định.

          Theo lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng, chi trả dịch vụ môi trường rừng đã lượng hóa giá trị môi trường rừng về vai trò bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản; góp phần làm giảm tình trạng mất rừng và làm tăng khả năng phòng hộ của rừng cũng như giảm thiểu sự biến đổi khí hậu.

          Việc chi trả DVMTR trong những năm qua tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, đối với các đơn vị sử dụng DVMTR, họ tích cực tham gia và kê khai đóng tiền sử dụng DVMTR đầy đủ; đối với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, họ đồng lòng và tích cực tham gia tuần tra bảo vệ rừng; đối với các cấp chính quyền địa phương và các sở, ban ngành trong tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ Quỹ Bảo vệ và phát triển tỉnh trong việc thực hiện chi trả DVMTR. Hy vọng rằng với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng sẽ ngày càng phát triển.

          Chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện thí điểm từ năm 2009 theo Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008. Lâm Đồng là 1 trong 2 tỉnh (cùng với Sơn La) tham gia triển khai thí điểm, làm cơ sở đánh giá, nhân rộng ra toàn quốc theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 và hiện nay hoạt động này đã được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018; Nghị định 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ.

Nguồn: Đoàn Kiên/Báo Sài Gòn giải phóng online (https://www.sggp.org.vn/chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-cai-thien-sinh-ke-cho-nguoi-lam-nghe-rung-post770757.html)

 

Liên kết
Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam
 
Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng
 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay1
  • Tuần hiện tại1126
  • Tổng lượt truy cập14585
Hòm Thư Góp Ý
Hòm Thư Góp Ý
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây